Đường trên cao số 1 và số 5 tại TP HCM được ưu tiên đầu tư

22/07/2020 by Đinh Thị Diễm

Nhằm giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường dưới mặt đất và giải quyết ùn tắc giao thông, TP HCM ưu tiên đầu tư đường trên cao số 1 và số 5. Đây là đòn bẩy quan trọng, tạo đà cất cánh cho thị trường bất động sản, các dự án triển khai gia tăng giá trị, khu vực tuyến đường đi qua.

Được biết, theo đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030”, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất làm trước hai tuyến đường trên cao số 1 và đường trên cao số 5, trong tổng số 5 tuyến đường trên cao đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch giao thông vận tải ở TP.HCM.

Chiều dài tuyến số 1 khoảng 9.5km bao gồm 1 km cầu cạn cho 2 làn xe và 8,5km cầu cạn cho 4 làn xe lưu thông. Tuyến đường trên cao này đi từ đường Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long nối dài đến cầu Phú An (Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) để nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh.

ket xe co6gn san bay tan son nhat van binh 1595231885365263819808 - Đường trên cao số 1 và số 5 tại TP HCM được ưu tiên đầu tư

Kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Việc xây dựng tuyến đường trên cao số 1 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường nội thành. Đặc biệt giải quyết áp lực giao thông cho cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường cao này.

Tổng chiều dài đường trên cao số 5 khoảng 34km sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chủ yếu đi trên quốc lộ 1 có điểm đầu là nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội và điểm cuối đường Tân Tạo – Chợ Đệm ( quậnThủ Đức, 12, Hóc Môn, Bình Tân và huyện Bình Chánh). Tuyến đường này được chia thành hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 năm 2020-2025 đầu tư đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao thông An Sương dài 21,5km. Giai đoạn 2 năm 2025-2030 đầu tư đoạn từ nút giao An Sương đến nút giao An Lạc dài khoảng 12,5km.

Dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 5 nhằm giải quyết tình trạng quá tải trên tuyến quốc lộ 1 – đường vành đai 2 TP.HCM. Sở Giao thông kiến nghị đầu tư bằng nguồn vốn PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư).

Theo Sở Giao thông vận tải TP, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP đến năm 2030 đã nghiên cứu và đề xuất những giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Kết quả nghiên cứu của đề án sẽ tạo được ‘khung cơ bản’ cho việc xây dựng, phát triển, đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá, đóng vai trò động lực phát triển kinh tế xã hội và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông sau này. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của người dân thành phố.

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ:
Tags:
Các dự án phát triển & phân phối